1. Định nghĩa bệnh ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là bệnh lý xuất hiện tế bào ung thư ác tính ở 1 hay cả 2 bên buồng trứng. Các tế bào này phát triển sinh sôi không ngừng trong cơ thể tạo nên những khối u ác tính. Dựa vào vị trí phát sinh ra tế bào ung thư, các nhà nghiên cứu đã chia ra làm 3 loại ung thư buồng trứng:
Ung thư loại biểu mô: Đây là loại ung thư buồng trứng phổ biến nhất. Tế bào ung thư ác tính khởi phát từ tế bào biểu mô của buồng trứng.
Ung thư tế bào mầm: Tế bào ung thư sinh ra bởi sự đột biến của tế bào sản xuất trứng, loại ung thư ít gặp hơn ung thư biểu mô.
Ung thư mô đệm: Tế bào ung thư phát sinh ra từ tế bào các tổ chức nâng đỡ buồng trứng, và đây cũng là loại ung thư buồng trứng hiếm gặp nhất.
2. Các chỉ số xét nghiệm ung thư buồng trứng có ý nghĩa
Hiện nay các chuyên gia đã tìm ra được chất chỉ điểm ung thư buồng trứng là CA125 và HE4:
2.1. CA125 ( cancer antigen 125 )
CA125 là một chất chỉ điểm ung thư đặc biệt đối với ung thư buồng trứng loại biểu mô. Để phát hiện ra bệnh ung thư buồng trứng, ngoài việc dựa vào biểu hiện trên lâm sàng thì CA125 là một dấu ấn quan trọng để phát hiện bệnh. Chỉ số bình thường của CA125 nằm trong khoảng 0 – 35U/ mL. Chỉ số này tăng trong khoảng 80% trường hợp ung thư buồng trứng và sẽ tỉ lệ thuận với sự phát triển của bệnh. Đối với người bình thường khỏe mạnh thì độ đặc hiệu là 99%, những người mắc viêm phần phụ là 83% và người mang khối u buồng trứng lành tính là 92%.
Các bác sĩ chuyên ngành có thể dựa vào chỉ số xét nghiệm ung thư buồng trứng CA125 để ước lượng được kích thước khối u. Khi kích thước khối u khoảng dưới 1cm thì chỉ số này có thể nằm trong mức giới hạn bình thường. Nhưng khi khối u ở buồng trứng phát triển kích thước lớn hơn 2cm thì chỉ số CA125 lúc này có thể lớn hơn 65 U/mL. Trong trường hợp những phụ nữ tiền mãn kinh hoặc sau mãn kinh mà sờ thấy khối u ở vùng bụng dưới, xét nghiệm máu thấy chỉ số CA125 lớn hơn 65 U/mL thì khả năng cao đã mắc bệnh ung thư buồng trứng.
Bên cạnh đó, trong hiệu quả điều trị ung thư buồng trứng thì chỉ số này còn mang ý nghĩa quan trọng. Khoảng 3 tuần sau điều trị phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u thì chỉ số này sẽ nằm trong giới hạn bình thường. Theo dõi trong quá trình điều trị ung thư, chỉ số này giảm dần thể hiện người bệnh đang đáp ứng tốt với phác đồ điều trị. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, nếu theo dõi thấy chỉ số này tăng trong quá trình điều trị hoặc sau điều trị thì có nghĩa là người bệnh đáp ứng kém với phác đồ đưa ra hoặc tái phát bệnh trở lại.
Ngoài ra, chỉ số CA125 còn được dùng để tiên lượng bệnh ung thư buồng trứng. Tiên lượng xấu khi trước phẫu thuật, sau phẫu thuật, sau quá trình hóa xạ trị chỉ số này vẫn tăng cao. Người bệnh sẽ sống thêm khoảng 5 năm nữa nếu chỉ số CA125< 10 U/mL sau 3 đợt điều trị và chỉ sống thêm khoảng 6-7 tháng nữa khi chỉ số này lớn hơn 100 U/mL.
Tuy nhiên, CA125 không đặc trưng cho bệnh ung thư buồng trứng. Trong một số trường hợp người bệnh được chẩn đoán bệnh ung thư buồng trứng mà chỉ số này vẫn trong giới hạn bình thường thì CA125 không được dùng.
2.2. HE4 (Human epididymal protein 4)
HE4 là một loại glycoprotein chiết xuất từ mào tinh người với trọng lượng phân tử là 11kD. So với CA125 thì HE4 là một chất chỉ điểm chính xác hơn. Trong quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư buồng trứng thì HE4 tăng trước CA125 và có độ nhạy cao hơn.
Tương tự như CA125, HE4 cũng được dùng để theo dõi đáp ứng điều trị cũng như tiên lượng bệnh ung thư buồng trứng. Giới hạn bình thường của HE4 phụ thuộc vào độ tuổi của phụ nữ. Ở những người phụ nữ khỏe mạnh HE4 sẽ nhỏ hơn 70 pmol/L, hiện nay giá trị thường dùng là nhỏ hơn 150 pmol/L.
Khi kết hợp CA125 và HE4 chúng ta sẽ có được độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn so với việc theo dõi đơn lẻ từng chỉ số.
3. Làm các xét nghiệm ung thư buồng trứng khi nào ?
3.1. Khi có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng
Nếu bạn có những yếu tố nguy cơ sau thì bạn nên chủ động thực hiện tầm soát ung thư buồng trứng.
Tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư buồng trứng: Nếu trong những người họ hàng gần với bạn mắc bệnh thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người bình thường. Và nguy cơ mắc sẽ cao hơn nếu bố mẹ hoặc anh chị em ruột. Không chỉ vậy, nếu trong tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư đại tràng hoặc ung thư vú, tử cung thì khả năng bạn mắc ung thư buồng trứng cũng sẽ cao hơn.
Khi mang trong mình những bất lợi về thai sản: Đối với những phụ nữ hiếm muộn hoặc vô sinh thì sẽ có khả năng mắc ung thư buồng trứng và sẽ cao hơn khi phải điều trị bằng thuốc kích thích phóng noãn. Bạn nên chủ động yêu cầu được làm các xét nghiệm ung thư buồng trứng để loại trừ khả năng mắc bệnh.
Chế độ sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh cũng là nguyên nhân gây ung thư buồng trứng.
Làm việc trong môi trường độc hại, ô nhiễm. Đối với những người làm việc trong môi trường hóa chất độc hại ( thuốc sâu, hóa chất nhuộm…) thì nên chủ động tầm soát ung thư.
3.2. Mắc bệnh ung thư buồng trứng đã điều trị ổn định
Bạn nên làm các xét nghiệm ung thư buồng trứng định kỳ để theo dõi nguy cơ tái phát bệnh sau khi đã điều trị ổn định. Nếu các chỉ số HE4 và CA125 tăng so với giới hạn bình thường thì có thể bệnh đã tái phát. Bên cạnh đó, khi làm các xét nghiệm khám định kỳ ở những phụ nữ có nguy cơ cao, bạn nên yêu cầu được làm thêm các xét nghiệm đặc hiệu.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị, các bác sĩ sẽ tư vấn bạn thực hiện xét nghiệm này để thông qua đó đánh giá sự đáp ứng điều trị và tiên lượng bệnh.
Ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu sẽ mang lại kết quả điều trị tốt nhất. Tiếc rằng hầu hết các trường hợp bệnh được phát hiện ra khi đã ở giai đoạn muộn. Khi đó việc điều trị sẽ gặp nhiều trở ngại và vô cùng tốn kém. Vì vậy bạn nên chủ động tầm soát ung thư để có những biện pháp dự phòng sớm nhất.