1. Nguyên nhân gây bệnh ung thư xương
Gồm 2 nguyên nhân:
Ung thư xương nguyên phát: hiện nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân do đâu làm hình thành khối u trong các tế bào xương. Một số trường hợp có tiền sử phơi nhiễm phóng xạ và đây là bệnh có yếu tố di truyền.
Ung thư xương thứ phát – đây là nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ cơ quan khác trong cơ thể di căn tới xương.
Vị trí của ung thư xương thường gặp ở đầu trên xương chày, đầu dưới xương đùi, đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương quay, xương chậu, xương bả vai.
2. Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư xương
Bệnh ung thư xương thường khó phát hiện ở giai đoạn đầu vì dấu hiệu mờ nhạt, không rõ ràng nên bệnh gây ra tỷ lệ tử vong cao. Ở cấp độ nặng hơn các triệu chứng sẽ biểu hiện rõ rệt hơn, người bệnh có thể dễ dàng nhận thấy:
Đau xương: đây là dấu hiệu đầu tiên mà người bệnh cảm nhận được nhưng ở giai đoạn đầu, các cơn đau sẽ nhẹ và không liên tục dẫn tới sự chủ quan của người bệnh. Các cơn đau sẽ tăng dần và thường xuyên khi bệnh tiến triển nặng hơn. Người bệnh sẽ thấy đau nhiều về đêm nhưng rất mơ hồ về vị trí đau, ảnh hưởng tới giấc ngủ và chế độ sinh hoạt của người bệnh.
Sưng hoặc nổi u cục: giai đoạn đầu, bạn sẽ thấy xương bị biến dạng và sưng lên. Ở tình trạng nặng hơn, mô xương sẽ nhô ra ngoài, bề mặt trơn bóng hoặc lồi lõm, vùng da có khối u sẽ hồng và ấm hơn những vùng khác.
Cơ thể biến dạng, rối loạn chức năng xương: khối u phát triển mạnh ảnh hưởng tới hệ xương, làm biến dạng chi, gây ra các triệu chứng teo cơ tương ứng kèm theo, xương yếu và dễ gãy.
Triệu chứng bị nén ép: khối u xuất hiện ở vùng chậu sẽ đè nén vào bàng quang, trực tràng, ruột gây bí tiểu. Khối u trong tủy đè nén vào cột sống có thể gây tê liệt.
Cơ thể suy kiệt: người bệnh ung thư xương sẽ có nồng độ calci trong máu cao, nhất là ở giai đoạn cuối, dẫn tới tình trạng chán ăn, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, khi đó cơ thể sẽ suy nhược nhanh chóng. Khối u còn di căn sang những cơ quan khác như gan, phổi,… làm người bệnh chịu thêm nhiều triệu chứng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
3. Ung thư xương có chữa được không? Các phương pháp điều trị
Cách đây 20 năm, với bệnh ung thư xương ở tay hay chân, mọi người sẽ nghĩ tới việc người bệnh có thể phải thiếu hụt đi bộ phận đó suốt đời, bởi hầu hết các trường hợp được chỉ định phẫu thuật bỏ chi. Nhưng ngày nay nhờ những tiến bộ y học, người bệnh có thể bảo toàn chi đồng thời bảo toàn các dây thần kinh và các mạch máu chính. Vậy nên mọi người có thể yên tâm phần nào, rằng bệnh ung thư xương có thể loại bỏ được nếu như phát hiện và chữa trị kịp thời.
Giai đoạn I: 80%
Giai đoạn II: 70%
Giai đoạn III: 60%
Giai đoạn IV: 20-50%
Bệnh ung thư xương có thể chữa trị theo nhiều cách và kết hợp nhiều phương pháp để mang lại kết quả tốt nhất. Để lựa chọn phương pháp điều trị ung thư xương hợp lý cho người bệnh phụ thuộc vào một số yếu tố như:
Bệnh nhân mắc loại ung thư nguyên phát hay thứ phát ?
Vị trí của khối u.
Mức độ phát triển của tế bào ung thư.
Có sự xuất hiện của di căn chưa và di căn tới những đâu?
Có 3 phương pháp chính để điều trị đó là:
3.1 Phương pháp phẫu thuật:
Đây là phương pháp ưu tiên hơn cả vì nó có thể triệt căn được khối u.
Còn với trường hợp ung thư xương giai đoạn giữa sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ đoạn chi có khối u để giảm nguy cơ tế bào ung thư di căn và tái phát.
3.2 Phương pháp hóa trị:
Nhiều trường hợp ung thư xương có thể áp dụng hóa trị để giết chết tế bào ung thư đang phân chia. Thuốc có thể được tiêm vào cơ hoặc mạch máu và có thể kết hợp với các phương pháp khác để tăng hiệu quả điều trị, như: Người bệnh được chỉ định hóa trị trước phẫu thuật để giúp thu nhỏ kích thước khối u. Còn nếu tiến hành sau phẫu thuật là để hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại hoặc phòng ngừa tái phát trở lại.
Do đó tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định hóa trị trước hay sau phẫu thuật. Đây là một phương pháp tiên tiến, hiện đại sẽ giúp đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình điều trị.
3.3 Phương pháp xạ trị:
Xạ trị là phương pháp dùng những tia xạ năng lượng cao để làm tổn thương tế bào ung thư và ngăn chặn sự phát triển của những tế bào đó.
Đối với trường hợp ung thư xương giai đoạn cuối có tiên lượng xấu thì cần phải kết hợp xạ trị với 2 phương pháp nêu trên, giúp người bệnh giảm bớt các cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ.
Thời gian điều trị bằng phương pháp này thường kéo dài 5 ngày trong tuần, trong vòng 5 tới 8 tuần.
4. Có cách nào để phòng ngừa và chống tái phát ung thư xương không?
Ung thư xương là một căn bệnh nguy hiểm, các tế bào ung thư phát triển và lan rộng nhanh chóng. Nhiều trường hợp không tìm được khối u hình thành từ đâu. Vì thế việc phòng ngừa bệnh là giải pháp tối ưu để bảo vệ cơ thể. Hiện tại chưa có phương pháp phòng ngừa ung thư xương đặc hiệu cho nên mọi người cần chú ý:
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: bổ sung calci, magie, các vitamin vào khẩu phần ăn hàng ngày, tăng cường lượng rau xanh, trái cây và giảm lượng chất béo xuống…
Duy trì một lối sống khỏe mạnh bằng cách thường xuyên giải tỏa căng thẳng phiền muộn và tránh xa khói thuốc.
Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và tia UV trong ánh nắng mặt trời vào những khung giờ có bức xạ cao.
Tránh tiếp xúc với tia phóng xạ và hóa chất độc hại.
Tập thể dục thể thao nhẹ nhàng để tăng miễn dịch cho cơ thể và giúp xương chắc khỏe.
Cảnh giác với các nguy cơ mắc bệnh như dấu hiệu, tiền sử gia đình,…
Câu hỏi “ung thư xương có chữa được không?” đã được giải đáp phía trên. Hy vọng rằng với bài viết này sẽ giúp các bệnh nhân bị ung thư xương sớm phát hiện và có phương pháp chữa trị hiệu quả nhất.